Trong quy hoạch cụm cảng số 5 thuộc TP HCM , Đồng Nai , Bà Rịa Vũng Tàu có cảng nước sâu Phước An ở xã Phước An , huyện Nhơn Trạch . Đồng Nai từng có đoàn cán bộ sang tận Liverpool của Vương quốc Anh tiếp thị đầu tư dự án này nhưng không có kết quả . Sau đó là văn bản hợp tác giữa Đồng Nai và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN ) được ký kết , trong đó có việc triển khai dự án cảng nước sâu Phước An . Nay do tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm hoãn các dự án nhưng vẫn giữ quỹ đất trong quy hoạch xây dựng cảng nước sâu , như vậy quy hoạch vẫn còn hiệu lực.
Giao thông đường thủy là loại hình giao thông rẻ nhất trong số các loại hình giao thông như đường bộ, đường hàng không , đường sắt . Đồng Nai là một trong số ít các địa phương có đầy đủ các loại hình giao thông - trong đó có sân bay Biên Hòa đã có chuyên gia tính đến việc khai thác thương mại , chưa kể sân bay quốc tế Long Thành đang có những ý kiến khác nhau , riêng về giao thông đường thủy đặc biệt thuận lợi . Đồng Nai cũng là một trong số ít các địa phương có cảng biển nằm sâu trong đất liền ,có khả năng tiếp nhận tàu từ 5.000 đến 15.000 tấn . Với tính chất này , hệ thống cảng ở Đồng Nai do Công ty CP cảng Đồng Nai quản lý có nhiều ưu điểm trong việc khai thác hàng trung chuyển phục vụ các tỉnh miền Đông Nam bộ, Lâm Đồng, các khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả Bình Thuận, Ninh Thuận khi các địa phương này chưa có cảng tiếp nhận tàu 15.000 tấn.
Hệ thống cảng do Công ty CP cảng Đồng Nai đầu tư , khai thác và đang tiếp tực đầu tư giai đoạn 2 cụm cảng Gò Dầu và cảng Long Bình Tân đủ khả năng tiếp nhận hàng ra , hàng vào ước tính 3 năm tới , trong đó có hàng container trung chuyển . Các cảng nằm trên sông Đồng Nai , sông Thị Vải và tiềm năng vận chuyển đường thủy ở Đồng Nai còn lớn.
Khi Đồng Nai thu hút vốn đầu tư nước ngoài , nhiều nhà đầu tư khai thác ngay lợi thế giao thông đường thủy ở Đồng Nai và các dự án của Công ty Vedan, phân bón Việt Nhật, Công ty AP, Shell, Mobil, La Farge… cho thấy ngay điều này. Nếu không có sông Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Tranh để xây dựng các cảng nội bộ thì các nhà đầu tư đã không chọn nơi này. Khu công nghiệp Ông Kèo sớm có nhiều nhà đầu tư tìm đến , một phần do có lợi thế sông Lòng Tàu và hiện nay đang khai thác phương tiện giao thông đường thủy như Công ty La Farge (Pháp), xi măng Công Thanh , Công ty hóa chất AP … Công ty super phốt-phát Long Thành cũng khai thác phương tiện giao thông đường thủy với cảng nội bộ . Công ty Proconco có cảng nội bộ trên sông Đồng Nai ở KCN Biên Hòa 1. Tổng công ty Tín Nghĩa đang triển khai dự án tổng kho xăng dầu Phú Hữu ở huyện Nhơn Trạch, tiến đến nhập khẩu trực tiếp xăng dầu, đã tính kỹ đến lợi thế giao thông đường thủy.
Nông Nại Đại Phố đã từng là một thương cảng , do yếu tố lịch sử, thương cảng thời dinh Trấn Biên không còn như xưa nhưng lợi thế về vị trí địa lý , giao thông đường thủy còn nguyên và trong giai đoạn hiện nay cần hướng đầu tư và khai thác mới.
Đồng Nai đã có những kinh nghiệm về khách hàng lớn ứng vốn đầu tư , hình thành cảng Gò Dầu A, Gò Dầu A, chiến lược đầu tư trên 700 tỷ đồng đã được Đại hội cổ đông Công ty CP cảng Đồng Nai thông qua, cùng với đơn vị chủ lực hoạt động dịch vụ cảng biển, các nhà đầu tư trong nước như Tín Nghĩa có dự án khai thác tiềm năng giao thông đường thủy, Đồng Nai thêm một đường băng mặt nước để cất cánh ./.